Không chỉ triển khai kỹ thuật cao để cứu người ở trong nước, thu hút bác sĩ nước ngoài đến học tập, với tay nghề khéo léo, bác sĩ Việt Nam còn được mời ra nước ngoài chuyển giao kỹ thuật, chữa bệnh.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Phú Hữu, Phó khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM), là thế hệ đầu học mổ robot của BV Bình Dân. Cũng là BS đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đi chuyển giao kỹ thuật mổ robot ở nước bạn Philippines. Đến thời điểm hiện tại, BS Hữu đã mổ bằng robot trên 350 ca bệnh (từ năm 2016 đến hết tháng 1.2024, BV Bình Dân mổ robot được 2.424 ca).
Theo BS Hữu, robot hiện không còn là kỹ thuật mới mà là kỹ thuật tất yếu phải làm trong mổ ngoại bụng, đặc biệt là mổ ung thư đại trực tràng một cách triệt để nhất, đồng thời bảo tồn chức năng, thần kinh cho bệnh nhân tốt hơn, do vậy mà nhiều nước ứng dụng.
Thông thường, khi một BV đặt robot thì chuyên gia của Hãng Da Vinci của Mỹ đến chuyển giao. Để trở thành chuyên gia nguồn của hãng, ngoài mổ trên 200 ca được hãng đánh giá bằng thực tiễn mở, bên cạnh đó là các bằng cấp về đào tạo, kỹ năng ngoại ngữ, sư phạm. Theo BS Hữu, dù có mổ giỏi nhưng ngoại ngữ không tốt, không có kỹ năng sư phạm thì không thể truyền đạt lại được cho đồng nghiệp nước ngoài.
Tháng 10.2019, BV Philippine General Hospital (Philippines) mới mua robot được vài tháng, họ cần một chuyên gia về đào tạo robot mổ về tiêu hóa (dạ dày). Trong danh sách chuyên gia mổ robot, hãng máy Da Vinci đã chọn BS Hữu là chuyên gia Việt Nam. Đây cũng là lần xuất ngoại đầu tiên của vị BS tài hoa này.
“Ban đầu chuyển giao kỹ thuật thì tôi cũng hơi lo, nhưng với kinh nghiệm mổ hàng trăm ca, cùng sự vinh dự và tự hào là BS Việt Nam ra nước ngoài chuyển giao kỹ thuật đã làm tan biến mọi sự lo lắng đó”, BS Hữu chia sẻ.
Có lẽ Việt Nam và Philippines tương đồng về trình độ phát triển, cũng như chi trả cho y tế nên việc chuyển giao cho nước bạn sẽ dễ tiếp nhận hơn là các chuyên gia đến từ các nước phát triển với yêu cầu sử dụng thiết bị y tế xịn hơn. BS Hữu ví dụ như ca mổ cắt dạ dày bằng robot vào năm 2019 tại đây, nếu dùng dụng cụ treo gan để mổ dạ dày thì phải tốn 100 USD. Còn khi chuyển giao kỹ thuật, ông chỉ dùng sợi chỉ treo gan tốn 1 – 2 USD như ở Việt Nam. Tuy sợi chỉ treo chỉ đáp ứng được 90% nhưng giảm được chi phí cho bệnh nhân và các đồng nghiệp Philippines đồng tình, áp dụng y như vậy cho bệnh nhân sau này.
Sau thành công chuyển giao ca đầu tiên, cuối tháng 2.2023, BS Hữu được hãng cử sang BV Chinese General Hospital and Medecal Center (Philippines) chuyển giao mổ robot điều trị ung thư đại trực tràng. Với kinh nghiệm mổ trên 350 ca, BS tận tình chỉ dẫn cho các đồng nghiệp nước bạn bằng lý thuyết, cho xem clip các ca ông mổ và mổ thị phạm.
“Ca đầu tiên tôi cài đặt robot giúp và cùng làm với BS của họ, khi tới chỗ nào khó thì sẽ hướng dẫn. Sau khi hấp thụ được ca thứ nhất, đến ca thứ hai thì BS nước bạn đã tự làm được. Họ nói, trước đây mổ ung thư đại trực tràng bằng robot này không thể nào mà từ 2,5 – 3 giờ được. Điều này cũng giống như ở BV Bình Dân lúc mới áp dụng”, BS Hữu kể.
Qua thực tiễn đi học tại Mỹ và chuyển giao kỹ thuật, theo nhìn nhận của BS Hữu, kỹ năng phẫu thuật và chiến lược phẫu thuật BS Việt Nam không thua gì các nước tiên tiến.
Thách thức tay nghề BS tạo hình niệu đạo
TS-BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng đơn vị niệu đạo, Phó khoa Niệu C, BV Bình Dân, cũng là BS được mời đi chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tạo hình niệu đạo tại BV Thammasat University Hospital tại Thái Lan (tháng 11.2022) và BV Universiti Putra Malaysia (tháng 9.2023). Bởi khu vực Đông Nam Á, thậm chí cả châu Á chưa có nhiều phẫu thuật viên lành nghề và được đào tạo bài bản. Trong khi đó, phẫu thuật tạo hình niệu đạo là thế mạnh của các BS Việt Nam nói chung và của BV Bình Dân nói riêng. Bản thân BS Hùng là người được đào tạo liên tục 9 năm tại Mỹ và Việt Nam về kỹ thuật này, và mỗi năm ông mổ cả ngàn ca.
“Khi đi Thái Lan mổ 4 ca thì trong đó có 1 ca khó người Thái Lan đã mắc bệnh 10 năm, phải mổ đến 6 giờ. Khi qua Malaysia mổ 4 ca thì có 1 ca khó người Indonesia đã mổ nhiều lần nên mổ mất 4 giờ. Ai cũng nghĩ mổ thị phạm, mổ chuyển giao sẽ được lựa bệnh dễ, nhưng qua nước bạn là không thể, họ cài chúng ta mổ ca khó để vừa thử tay nghề, vừa học tập. Bên cạnh đó, vừa mổ vừa thuyết minh, vừa trả lời những câu hỏi “hóc búa” về kỹ thuật bởi các chuyên gia đang xem bên ngoài qua màn hình ở hội trường. Mình rất áp lực và tâm lý là phải biểu diễn mổ”, BS Hùng nói và chia sẻ thêm: “Mổ chuyển giao kỹ thuật ở nước bạn thì không được trả tiền công, chỉ có danh thôi!”.
Qua những thông tin chuyển giao kỹ thuật, BS Hùng đã nhận email của một số bệnh nhân tại Malaysia, Indonesia, Việt kiều Mỹ hỏi tham khảo và dự kiến sẽ đến Việt Nam để mổ.
Hệ thống y tế tại TP.HCM phát triển mạnh mẽ
Trong một thập kỷ qua, chiến lược phát triển y tế ngang tầm khu vực ASEAN của TP.HCM đã trở nên rõ nét. Đó là định hình phát triển chuyên khoa sâu ở BV tuyến trên và nâng cấp y tế cơ sở. Tính đến giữa năm 2023, TP.HCM có 12 BV bộ, ngành, 10 BV đa khoa thành phố, 12 BV chuyên khoa, 19 BV quận huyện, 66 BV tư nhân, 234 phòng khám đa khoa và hệ thống phòng phòng khám chuyên khoa. Tổng số nhân viên y tế tại TP.HCM (chưa tính BV bộ, ngành) là gần 43.400 người, trong đó có hơn 12.200 bác sĩ.
Hệ thống BV đa khoa chuyên sâu rất mạnh của TP.HCM trải rộng khắp thành phố. Các BV quận, huyện cũng có kỹ thuật can thiệp tim mạch, phẫu thuật thần kinh, hồi sức nội khoa… phát triển tầm BV tuyến trên.
Nhưng sự phát triển y tế chuyên khoa có lẽ là điểm nhấn của ngành y tế TP.HCM. Trong đó, có Viện Tim với các kỹ thuật thông tim, mổ tim hàng đầu; BV Bình Dân với các kỹ thuật mổ nội soi ngoại bụng, tiết niệu và đặc biệt là robot; Chấn thương chỉnh hình chuyên ngoại khoa về chấn thương chỉnh hình, vi phẫu tạo hình. BV Mắt, Tai mũi họng, Răng hàm mặt chuyên khoa sâu đầu ngành…
Hệ thống BV tư nhân tuy ra đời gần đây nhưng nhờ nguồn lực tài chính tốt nên đã phát triển kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế hiện đại, thu hút đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm.
Hiện ngành y tế TP.HCM không chỉ phục vụ người dân TP.HCM và khu vực phía nam, mà còn tự tin thu hút bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh trong lĩnh vực y học cổ truyền, thẩm mỹ, thụ tinh nhân tạo…
theo Thanh Niên