Những câu hỏi thường gặp về sỏi đường mật

1. Hệ thống đường mật trong và ngoài gan là gì?

Gan có hệ thống đường mật, là các ống, hình dạng như các cành cây, thân cây và gốc cây, đoạn cuối của đường mật nối với ruột non, được gọi là ống mật chủ. Bên cạnh ống mật có một túi, nối thông với ống mật chủ, gọi là túi mật. Chỗ nối với ống mật chủ gọi là cổ túi mật. Túi mật để dự trữ, cô đặc mật.

Mật do gan sản xuất ra, có tác dụng tiêu hóa chất béo mà chúng ta ăn vào. Mật chảy ra từ trong gan giống như chảy từ ngọn xuống gốc cây rồi chảy vào ruột.

Hệ thống gan mật và dạ dày nằm sát cạnh nhau, một số thuốc chữa bệnh viêm dạ dày cũng có tác dụng cho hệ thống mật. Thời gian đầu, một số người bệnh tưởng nhầm mình bị bệnh dạ dày thay vì bệnh về mật.

Hình 1: Hình ảnh minh họa giải phẫu túi mật và hệ thống đường mật.

2. Sỏi đường mật là gì và nguyên nhân?

Sỏi đường mật thường xuất hiện sau những lần nhiễm trùng đường mật, có xác hoặc trứng giun gây kết tủa mật tạo nên sỏi. Người ở vùng vệ sinh môi trường kém, nhiễm ký sinh trùng tiêu hóa, dinh dưỡng kém mắc bệnh sỏi đường mật nhiều hơn.

Tùy theo vị trí của sỏi trong hệ thống đường mật được phân chia nhiều vị trí theo từng tên gọi khác nhau:

Sỏi Đường mật ngoài gan: Ống mật chủ, Ống gan chung, Ống gan phải, Ống gan trái.

Sỏi Đường mật trong gan:  Ống phân thùy, Ống hạ phân thùy

Hình 2: Sỏi ống mật chủ

 

3. Triệu chứng của sỏi đường mật biểu hiện như thế nào?

Sỏi đường mật thường gây biến chứng tắc mật và nhiễm trùng đường mật, đây là lý do làm người bệnh phải tới bệnh viện.

Tắc đường mật là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng và làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng ở đường mật. Nhiễm trùng đôi khi rất nặng, có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm tới tính mạng.

Mới đầu tắc mật sẽ gây đau ở trên rốn, đau bên phải, dưới sườn, đau tăng dần. Khi tình trạng nhiễm trùng tăng lên sẽ xuất hiện sốt. Trước khi sốt sẽ có cơn lạnh run rồi sau đó sốt cao. Khi tắc mật kéo dài vài ngày mới thấy rõ tình trạng vàng da, vàng mắt, tiểu vàng sậm như nước trà đặc.

Hình 3: Triêu chứng lâm sàng của cơn đau quặn mật.

4. Chn đoán sỏi đường mật bằng cách nào?

Siêu âm bụng: Hiện nay siêu âm bụng được xem là phương tiện đầu tay để chẩn đoán sỏi đường mật, đây là xét nghiệm đơn giả, rẻ tiền, rất phổ biến và ít xâm hại.

Chụp cắt lớp điện toán (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng trong việc chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ sỏi đường mật mà siêu âm không thể khẳng định được.

5. Các phương pháp điều trị sỏi đường mật hiện nay là gì?

Nguyên tắc điều trị là giải tỏa tắc mật và chống nhiễm trùng.

Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh, thường phải chích nhiều loại kháng sinh phối hợp với nhau. Chỉ dùng kháng sinh sẽ ít hiệu quả nếu không làm thông đường mật bị tắc.

Để giải tỏa tắc nghẽn đường mật có rất nhiều cách khác nhau.

Lấy sỏi qua nội soi đường tiêu hóa từ miệng hay còn gọi là nội soi mật tụy ngược dòng (Endoscopic Retrograde Cholangiopancreatogram – ERCP). Dụng cụ tương tự như ống soi dạ dày nhưng phức tạp hơn, được đưa tới chỗ mật chảy vào ruột. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào đường mật lấy sỏi ra hoặc luồn 1 ống nhỏ cho mật chảy ra.

Hình 4: Minh họa phương pháp lấy sỏi bằng nội soi mật tụy ngược dòng

Phẫu thuật lấy sỏi có thể thực hiện bằng 2 cách : mổ nội soi vào ống mật chủ để lấy sỏi và làm sạch đường mật hoặc mổ mở lấy sỏi ống mật trong một số trường hợp phức tạp.

Nội soi lấy sỏi mật qua một khe nhỏ ở thành bụng do bác sĩ chủ động tạo ra khi mổ : dùng cho những bệnh nhân không thể lấy hết sỏi trong lần mổ trước.

BS: Phòng Khám CK 108

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *